Thủ tướng: Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên

Trong buổi tiếp xúc cử tri thành phố Hải Phòng ngày 26/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chưa có chủ trương bỏ biên chế với giáo viên. Mọi nhà giáo yên tâm”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thay mặt đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp thu, trao đổi và trực tiếp giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri quan tâm.

Về vấn đề bỏ biên chế với giáo viên, Thủ tướng cho biết, một số trường đại học, cơ sở giáo dục có đề án, chương trình tự trang trải được kinh phí thì ký hợp đồng với giáo viên, còn nếu áp dụng hình thức này cả với giáo viên vùng sâu, vùng xa, cả đời gắn bó với nghề giáo thì không ổn.

Thủ tướng khẳng định: “Chưa có chủ trương đó. Mọi nhà giáo yên tâm”.

Trước đó, trả lời chất vấn Đại biểu Lê Thị Nguyệt (đoàn Vĩnh Phúc) về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, đây mới là ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Bộ GD&ĐT chưa hề có văn bản đề xuất và trong nhiều lần làm việc với Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng cũng chưa bao giờ nghe thấy đề xuất này.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định cho tới nay, chưa có chủ trương bỏ biên chế đối với giáo viên, ngay cả với các trường đại học, và cho biết Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Nghị định về cơ chế tự chủ của cơ sở giáo dục đại học công lập và Nghị định về cơ chế tự chủ trong các trường giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và trung cấp. Trong dự thảo hai nghị định này vẫn giữ biên chế công chức và viên chức.

“Tôi có hỏi Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thì được biết Bộ trưởng đề xuất như vậy là vì Bộ trưởng muốn khắc phục tình trạng “biên chế suốt đời”, “chỉ có vào không có ra” nên sau khi vào biên chế có không ít giáo viên không còn nỗ lực phấn đấu, không đáp ứng được yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.

Luật Cán bộ công chức, Luật viên chức đều quy định là nếu công chức, viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì được đưa ra khỏi biên chế. Vấn đề là ở chỗ quản lý, đánh giá giảng viên, giáo viên một cách thực chất, nghiêm túc chứ không phải nằm ở câu chuyện giữ biên chế hay là bỏ biên chế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được biết, ngày 12/5, khi tiếp xúc cử tri tại Bình Định, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết sẽ thí điểm chuyển dần công chức, viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động làm gây xôn xao dư luận, giáo viên lo lắng.

Giải thích về việc này, Bộ trưởng Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, để thực hiện hiệu quả chương trình mới, cần phải đổi mới đồng bộ các điều kiện đảm bảo chất lượng, trong đó có đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Nhạ bày tỏ, việc chuyển dần viên chức giáo viên sang chế độ hợp đồng lao động là vấn đề lớn, có tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Bộ GD-ĐT ý thức rõ việc này, do vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu kỹ trước khi đề xuất xin chủ trương thí điểm triển khai.

Bộ trưởng Nhạ cho biết, trước mắt, sẽ nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm chuyển dần viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với một số trường đại học và một số trường trung học phổ thông có đủ điều kiện.

Chưa xem xét thí điểm việc chuyển viên chức giáo viên sang hợp đồng lao động đối với giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện thí điểm triển khai, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Bộ trưởng Nhạ khẳng định, khi nghiên cứu xây dựng đề án đề xuất thí điểm, Bộ GD&ĐT phải nghiên cứu các giải pháp để giải quyết thỏa đáng các vấn đề mà dư luận băn khoăn như chính sách đặc thù đối với giáo viên đang công tác ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; chế độ tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp; cơ chế kiểm soát quyền lực của hiệu trưởng.

Hồng Hạnh

Nguồn Dân Trí